10:40 - 1/6/16

10 triết lý kinh doanh của Carlos Slim

    Khởi nghiệp từ quầy bán quần áo khiêm nhường với cái tên rất kêu là "Ngôi sao phương Đông" mà người cha của ông, một người Lebanon nhập cư, đã mở ra ở thành phố Mexico năm 1911, tới năm 2010, ông giành vị trí người giàu nhất thế giới từ tay nhà sáng lập Microsoft – Bill Gates và giữ được danh hiệu này suốt 4 năm.

    Slim là người đầu tiên và duy nhất cho đến nay xuất thân từ một quốc gia mới nổi có thể đứng đầu danh sách của Forbes.

    Ngay từ nhỏ, cậu bé Carlos, mồ côi cha từ năm 12 tuổi, đã bộc lộ rất sớm tố chất kinh doanh trời sinh và năng lực làm việc không mệt mỏi của mình trong quầy bán quần áo mà người cha quá cố đã để lại cho mấy anh chị em. Cậu bé Carlos còn sớm biết bán cho anh chị em ruột của mình những món bánh kẹo để lấy lãi.

    Cũng từ nhỏ, Carlos đã có thói quen ghi lại tất cả những khoản chi tiêu hàng ngày để tự kiểm soát việc chi tiêu cho ngày càng hiệu quả. Năm 15 tuổi, ông đã mở tài khoản đầu tiên của mình tại ngân hàng Banamex với khoản tiền gửi 5.523 peso (tiền Mexico). Khi Carlos Slim vào học ở Khoa Kỹ sư, Trường Đại học Tổng hợp Mexico năm 14 tuổi, tài khoản đó đã tăng lên tới 31.900 peso. Năm 26 tuổi, ông đã làm cho khoản thừa kế từ cha mình sinh sôi nảy nở tăng lên tới lên tới 400 nghìn USD, một khoản tiền có thể nói là rất lớn đối với một thanh niên thời ấy.

    Nguyên tắc kinh doanh của Carlos Slim là, mua tất cả những cái gì có thể mua được để giành lấy thế độc quyền trong bất cứ một lĩnh vực hứa hẹn sinh lời nào. Đây là bài học ông thừa hưởng từ cha mình, cha ông trong những năm nội chiến ở Mexico đã mua tới tấp những bất động sản mất giá ở thủ đô khi lực lượng cách mạng của thủ lĩnh Pancho Villa hành quân tới gần. "Đó là một hành động quả cảm, - Carlos Slim về sau nhận xét. - Cha tôi đã dạy tôi rằng, dù khủng hoảng có sâu sắc đến mấy, thì cả đất nước Mexico lẫn thủ đô Mexico vẫn không thể biến mất đi đâu được và nếu như ta tin vào đất nước, thì bất cứ sự đầu tư nghiêm túc nào rồi cũng được bồi hoàn hậu hĩnh".

    10 triết lý kinh doanh của Carlos Slim

    Bài học thứ hai Slim học từ người cha là cần tạo dựng, duy trì và biến tấu kịp thời những mối quan hệ cần thiết. Và tại Mexico, những mối quan hệ này luôn là cứu cánh cho những hoạt động kinh doanh thoát khỏi các bê bối về chính trị.

    Hiện nay, hoạt động của ông Slim liên quan tới mọi mặt đời sống của người dân thường Mexico. Các công ty của ông Carlos Slim sản xuất thuốc lá, linh kiện xe hơi, thiết bị kỹ thuật cho các giàn khoan dầu mỏ, bảo hiểm ôtô và nhà cửa… Trong các siêu thị Mexico, mạng lưới Sunborns của ông, tương tự như mạng lưới Wall Mart ở Mỹ, bán đủ "trăm thứ bà rằn", từ nước uống tới các đồ điện tử dân dụng… Và tại Mexico, hầu như ít ai không sử dụng một sản phẩm hay dịch vụ nào đó của Slim.
    10 triết lý kinh doanh của Carlos Slim
    Tại Mexico, vào những năm 2010, 2011, hãng Telefonos de Mexico (TelMex) của Carlos Slim kiểm soát tới 92% mạng lưới điện thoại hữu tuyến ở nước này. Hãng America Movil kiểm soát 70% thị phần điện thoại di động Mexico. GS Mỹ George W.Grayson từng gọi Mexcio là Slimland (mảnh đất của Slim).

    Mặc dù là tỷ phú nhưng Carlos Slim ăn vận rất khiêm nhường và không bao giờ tốn tiền cho việc mua sắm. Ông hay nhắc đi nhắc lại đầy kiêu hãnh câu nói mang nặng tinh thần ái quốc: "Tôi không hề có căn hộ hay biệt thự ở nước ngoài". Quy tắc của ông là: "Hãy loại bỏ những sự dư thừa ngay cả trong những lúc dễ dàng nhất của cuộc đời mình, vì điều này sẽ giúp ta ổn định trong những giai đoạn gặp nhiều khó khăn lớn nhất".

    Trong nhiều năm liền, văn phòng tập đoàn của Slim, nơi tập trung hàng tỉ USD gia sản của ông, đã nằm ở một tòa nhà bê tông hai tầng không có cửa sổ. Chính trong "căn cứ địa" này, ông chủ có một phòng làm việc nhỏ xíu như các nhân viên khác. Hiện nay, vì danh giá quá cao nên trụ sở Tập đoàn Carso đã là cả một tòa tháp hiện đại ở trung tâm thủ đô Mexico với những đồ nội thất được mua đấu giá tại Sotheby.

    Carlos Slim còn là tấm gương cho bất cứ doanh nhân nào về khả năng làm việc bất tận.Ngày làm việc của ông kéo dài không dưới 14 giờ. Các nhân viên dưới quyền ông đã học được cách không ngạc nhiên nếu ông chủ triệu tập họp vào lúc… 4 giờ sáng.

    Trong những giai đoạn khủng hoảng, thứ duy nhất mang lại cho Carlos Slim sự thư thái để làm việc là những điều xì gà La Habana. Xì gà, đó là thú vui đặc biệt của ông. Ông còn có một thú vui giải trí khác là sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.

    Bên cạnh những kiệt tác của Degas và Monet, ông Carlos Slim còn sở hữu một bộ sưu tập các tác phẩm của Rodin lớn thứ hai trên thế giới sau Viện Bảo tàng Rodin ở Paris. Bộ sưu tập các vật phẩm văn hóa thuộc nền văn minh Aztec của ông Slim được coi là có ấn tượng hơn so với viện bảo tàng nhân chủng học ở thủ đô Mexico.

    Trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình, Carlos Slinh đẻ lại nhiều bài học quý giá, và dưới đây là các bài học ông đã từng khuyên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp:

    1. Đầu tư thật mạnh vào việc kinh doanh của bạn, đặc biệt khi người khác không làm như vậy. Và hãy duy trì việc này trong dài hạn.

    2. Tập trung vào những điều cần thiết, và đừng phân tán bởi những thứ chẳng giúp ích gì cho lợi nhuận.

    3. Hãy thực tế và đặt mục tiêu rõ ràng, khả thi.

    4. Hãy lạc quan, đừng để nỗi sợ hãi dẫn dắt.

    5. Đừng cố tự làm mọi thứ. Thay vào đó, hãy hợp tác và tạo dựng mối quan hệ với mọi người.

    6. Hãy vui vẻ với việc bị cạnh tranh. Nên hiểu rằng nó sẽ làm cho bạn và công ty thêm mạnh mẽ.

    7. Đừng chỉ hoạt động trong nước, hãy tiến ra nước ngoài.

    8. Hãy chọn nhân viên tốt và để họ hoạt động tự do trong khuôn khổ.

    9. Đừng bắt ép nhân viên lao động quá nhiều, hãy giúp họ duy trì cân bằng cuộc sống - công việc.

    10. Cuối cùng, tôi biết rằng khi doanh nghiệp phát triển, bạn sẽ phải bổ sung vài cấp lãnh đạo, nhưng hãy cố gắng thêm càng ít càng tốt. Việc này sẽ giúp bạn sâu sát hơn với hoạt động thường nhật của công ty. Vì đó chính là nơi tạo ra lợi nhuận.

    Theo Infonet

Bình luận & Góp ý

0 nhận xét:

Đăng nhận xét